TỔNG KẾT KINH DOANH QUÝ I VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH KINH DOANH QUÝ II 2024
Bước sang năm 2024, ngành nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam liên tục phải đón nhận những tin không vui khi giá tôm cá thương phẩm liên tục bị giảm hoặc không ổn định, dịch bệnh trên tôm đặc biệt là bệnh hậu ấu trùng thuỷ tinh GPD (Glass Post-larvae Disease) bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho bà con nuôi tôm ở hầu hết các khu vực trong khắp cả nước, có những khu vực tỉ lệ thiệt hại do tôm bị nhiễm bệnh GPD lên tới trên 70%. Tình hình khó khăn đã khiến cho nhiều người nuôi trồng thuỷ sản đã phải tạm ngưng hoạt động sản xuất hoặc giảm diện tích canh tác, điều này đã ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất thức ăn thuỷ sản tại Việt Nam.
Giữa năm tài chính 2023, Ban lãnh đạo Tập đoàn Thăng Long đã dự đoán được những khó khăn của ngành nuôi trồng thuỷ sản có thể phát sinh trong năm 2024, nên ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã có một chiến lược kinh doanh linh hoạt, chi tiết và toàn diện cho tất cả các lĩnh vực từ nguồn nguyên liệu, nhà máy sản xuất, kênh phân phối, chương trình bán hàng… chính sự chủ động này đã giúp cho Tập đoàn ứng phó được những tình huống khó khăn và đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng kết quý I năm 2024 sản lượng thức ăn thuỷ sản của Thăng Long đạt mốc 200.000 tấn tăng trưởng 32%, con giống tiêu thụ trên 400 triệu con tăng trưởng 50%, chế phẩm sinh học đạt 30 tỉ tăng trưởng 11% so với cùng kỳ của năm 2023.
Trong khoảng thời gian từ ngày 02-06/05/2024, Tập đoàn đã tổ chức đợt họp tổng kết tình hình kinh doanh Quý I và kế hoạch triển khai công việc Quý II năm 2024 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Trong buổi họp Ông Chuang Jie Cheng Tổng giám đốc Tập đoàn Thăng Long đã nhấn mạnh “Năm 2024 vẫn phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng dịch bệnh, chiến sự, lạm phát nói chung và của ngành thuỷ sản nói riêng. Đặc biệt là ngành nuôi tôm công nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của bệnh GPD, EHP, phân trắng, đốm trắng… song song với đó là giá tôm nguyên liệu còn thấp điều này mang tới nhiều rủi ro cho bà con nuôi tôm, cho ngành kinh doanh thuỷ sản. Để khắc phục khó khăn này, Tập đoàn phải có giải pháp tổng thể trong đó đặc biệt phải phát huy vai trò của kỹ thuật trong chiến lược phục vụ kinh doanh. Kỹ thuật giúp khách hàng nâng cao tỉ lệ thành công, giảm giá thành sản xuất khi đó mới đảm bảo được phương châm "Khách hàng – Đại lý – Công ty” ba bên cùng thắng.
Trong đợt họp thường kỳ đợt này, Tập đoàn Thăng Long cũng đã chính thức giới thiệu một số sản phẩm mới như sản phẩm vôi nóng Quick Lime, La Hotlime, Aqua CaO, bộ chế phẩm sinh học dùng cho mảng cá nước ngọt. Ngoài ra, Ban Lãnh Đạo cũng vui mừng công bố ngày 21/05/2024 sẽ tổ chức Lễ khánh thành và chính thức đưa nhà máy thức ăn thuỷ sản ở khu công nghiệp Cộng Hoà tại Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào hoạt động. Ngoài ra Thăng Long có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy tại Tiền Giang với mong muốn nhà máy này sẽ đưa vào hoạt động trong đầu năm 2025. Việc không ngừng đầu tư và mở rộng sản xuất đã chứng minh được rằng chất lượng sản phẩm của Thăng Long đã phù hợp và được sự tin dùng của người nuôi, đồng thời cũng chứng minh được định hướng phát triển đúng đắn của Tập đoàn qua đó góp phần giúp cho sự phát triển của Tập đoàn Thăng Long ngày một lớn mạnh tại Việt Nam.
Những tháng còn lại của năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức với các nhà sản xuất thức ăn trong khắp cả nước. Nhưng với một chiến lược "phục vụ kinh doanh" đúng đắn, định hướng "mang hiệu quả giá trị đến với người nuôi" làm trọng tâm hành động, Tập đoàn Thăng Long chúng tôi luôn tự tin vững bước phát triển dưới sự ủng hộ, yêu thương của Quý khách hàng trên khắp các vùng nuôi cả nước, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ nhân viên Tập đoàn sẽ giúp chúng ta phát triển và lớn mạnh hơn trong tương lai.