• 升龙生物科技有限公司

31/07/2013越南半淡海水虾子养殖业之发展方向订定计划

Hội thảo "Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam" (31/07/2013)

Ngày 6/8/2013, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo "Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam". Tham dự Hội thảo có đại diện từ các tỉnh thành nuôi tôm trên cả nước, đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, các nông dân, hiệp hội, các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Anh Dũng đồng chủ trì Hội thảo.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm nước lợ có vị trí rất quan trọng đối với ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam. Năm 2012, sản lượng tôm đạt trên 15% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản; giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nuôi tôm nước lợ đã và đang góp phần quan trọng đối với đời sống xã hội, đem lại nguồn thu nhập khá cho người nuôi tôm tại các vùng ven biển.

Tuy nhiên, có một thực tế là nghề nuôi tôm chưa phát triển bền vững, giá trị thương mại chưa cao. Đặc biệt gần đây, nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, bắt đầu phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, dẫn đến dịch bệnh gia tăng. Từ năm 2010, dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, nhiều vùng nuôi tôm bị mất trắng. Năm 2012, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên 100.000 ha. Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để dập dịch, ổn định sản xuất, hướng tới phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về tái cấu trúc nông nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững và gia tăng giá trị.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Định hướngchiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” đã diễn ra với mục đích thảo luận, đánh giá hiện trạng và đề xuất những giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Hội thảo đã tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn và rủi ro trong việc phát triển nuôi tôm chân trắng trong cơ cấu tổng thể nghề nuôi tôm nước lợ. Đồng thời đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi ro đối với nghề này.

Tại Hội thảo, đa số đại biểu nhận định tôm thẻ chân trắng - đối tượng nuôi đã được du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm trước - hiện đang phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng do có ưu thế như chu kỳ nuôi ngắn, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể nuôi mật độ dày, đạt năng suất cao. Các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, so sánh việc nuôi tôm thẻ chân trắng với nuôi tôm sú, cho thấy tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu thế vượt trội, đặc biệt phù hợp nuôi trên cát ở các tỉnh miền Trung. Các đại biểu cũng cho rằng, nên đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, nuôi công nghiệp dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý, làm tốt công tác quy hoạch vùng nuôi, tránh hiện tượng phá vỡ quy hoạch, gây mất cân bằng trong cơ cấu nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Vấn đề mùa vụ thả nuôi cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội thảo này. Theo một đại biểu đến từ tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân gây nên hội chứng EMS trên tôm là do sử dụng giống nhanh lớn (chỉ 60 - 70 ngày đã cho thu hoạch) nên khả năng đề kháng, chống chọi với sự thay đổi của môi trường kém, trong khi sự suy giảm môi trường ngày càng tăng đã tác động nghiêm trọng đến khả năng sống của tôm nuôi. Do đó, cần chú trọng vào khâu chọn giống. Đồng thời, trong quá trình nuôi cần điều tiết các yếu tố kỹ thuật như tăng lượng ôxy, ổn định nồng độ pH...

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của các đại biểu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn kết luận, tôm thẻ chân trắng tiếp tục là đối tượng nuôi chủ lực của ngành sản xuất tôm Việt Nam, tuy nhiên, cần đặt sự phát triển trong sự cân đối giữa tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Phát triển tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Về thời vụ thả nuôi, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thời tiết cụ thể để chỉ đạo. Về phía Tổng cục Thủy sản, sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các ảnh hưởng của việc nuôi tôm thẻ chân trắng đối với môi trường, tổng kết các nghiên cứu về EMS, đồng thời xem xét, đánh giá việc điều chỉnh mùa vụ cho các vùng khác nhau trên cả nước.